65 năm thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Không còn cũ trong mắt khán giả
VHO- Liên tục cho ra những chương trình mới với xu hướng dàn dựng hiện đại, hấp dẫn, chất lượng cao; Ký hợp đồng “xuất khẩu” dài hạn các tiết mục, chương trình; Mở hội nghị khách hàng để nắm bắt nhu cầu của khán giả; Tổ chức các chương trình thường niên vào ngày lễ, kỷ niệm của cả nước… đó là những gì mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng để có được kết quả như ngày hôm nay.
Chương trình “Đi cùng năm tháng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tạo được sức hút và lan toả những giá trị nhân văn rộng rãi trong cộng đồng
Qua đó có thể thấy, hiếm có một đơn vị, nhà hát nghệ thuật nào lại lập được kế hoạch tổ chức cũng như chương trình biểu diễn phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp như Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Cuộc chơi mới phải có cách làm mới
Những năm gần đây, đến với sân khấu tròn quen thuộc, khán giả đã thấy xiếc Việt bứt phá ngoạn mục khi mang tới những hình thức dàn dựng độc đáo, mới lạ, hình thành nên một thương hiệu nghệ thuật riêng. Xiếc không còn như xưa với những trò diễn đơn lẻ mà được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật với kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc tới trang phục biểu diễn…
Là một trong những đạo diễn đi đầu trong công tác đổi mới các hình thức thể hiện cho sân khấu xiếc, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, sự thành công ngày hôm nay chính là nhờ vào những định hướng mang tính chiến lược táo bạo. Ban giám đốc Liên đoàn đã hoạch định ngay sau dịp kỷ niệm 60 năm thành lập đơn vị để quyết tâm mở rộng đối tượng khán giả bằng xu hướng đổi mới cách dàn dựng. Các chương trình không mang tính thời vụ nữa mà được xây dựng thành một chuỗi sản phẩm nghệ thuật thường niên như: Những cánh hồng bay (tôn vinh nữ nghệ sĩ xiếc trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3), Gala Xiếc ba miền (30.4 và 1.5), Đi cùng năm tháng (27.7), Phù thuỷ đại chiến (Trung thu)… Xiếc đã trở thành thương hiệu nghệ thuật đáp ứng được thị hiếu đa dạng của nhiều lứa tuổi khán giả.
Năm 2020, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cùng Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vở Cây gậy thần kết hợp giữa cải lương và xiếc. Đây là lần đầu tiên có một “mối lương duyên” giữa hai bộ môn nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, nhưng đã đem lại cho khán giả nhiều ấn tượng và trải nghiệm mới mẻ. Cây gậy thần là tác phẩm đầu tiên được thực hiện trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt do hai đơn vị xây dựng đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Sự hợp tác tiên phong này đã mở ra cho nền nghệ thuật nước nhà xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật trong nỗ lực làm mới để thu hút khán giả đến với sân khấu.
Xiếc đã trở thành thương hiệu nghệ thuật đáp ứng được thị hiếu đa dạng của nhiều lứa tuổi khán giả
Tạo sức hút và lan tỏa những giá trị nhân văn
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại tổ chức Hội nghị khách hàng để công bố kế hoạch các chương trình và sự kiện nghệ thuật sẽ diễn ra trong năm. Việc lập kế hoạch này giúp cho các nhà tổ chức biểu diễn nắm bắt được cơ hội để ký hợp đồng, thể hiện sự chuyên nghiệp trong tổ chức của một đơn vị nghệ thuật.
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ xiếc Việt Nam, giấc mơ nâng tầm xiếc Việt tiệm cận với thế giới đã không còn quá xa vời. Giám đốc Liên đoàn, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt và ngỏ ý muốn hợp tác. Hằng năm, chúng ta cũng đưa nhiều đoàn đi biểu diễn nước ngoài, có những tiết mục được mời lưu diễn tới 2 năm liên tiếp. Đơn cử như chương trình Sông trăng đã biểu diễn tại CHLB Đức suốt 16 tháng của năm 2019 và 2020, được khán giả quốc tế đánh giá cao và tạo tiếng vang lớn cho xiếc Việt Nam. Nếu không vì dịch Covid-19 thì ban tổ chức còn tiếp tục mời chương trình sang biểu diễn ở nhiều quốc gia châu Âu…
Chương trình Hà Nội của những giấc mơ
Chương trình Cây gậy thần
Nhờ định hướng chiến lược đúng đắn nên thời gian qua đã có một số công ty tổ chức biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong nước tìm đến đặt vấn đề hợp tác lâu dài với Liên đoàn Xiếc. Đơn cử như tại Quảng Ninh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp với địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện nghệ thuật như Gala xiếc ba miền, Diễu hành nghệ thuật Xiếc, Liên hoan xiếc thế giới -Hạ Long 2019…
Trong thời điểm khán giả chưa thật sự sẵn sàng trở lại nhà hát sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn kiên định, quyết tâm làm chương trình Đi cùng năm tháng vào tháng 7.2020 để có một hoạt động nghệ thuật thường niên không bị đứt đoạn. Hơn thế, chương trình lại huy động được kinh phí xã hội hoá từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Sự chung tay sẻ chia quý giá ấy cho thấy nghệ thuật Xiếc đã tạo được sức hút và lan toả những giá trị nhân văn rộng rãi trong cộng đồng. Nhiều buổi diễn, các nghệ sĩ đã không lấy thù lao để ủng hộ lực lượng Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, các gia đình chính sách, đồng bào bị thiên tai bão lụt…
Ngày 16.1, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập (1956 - 2021), với màn tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ xiếc có sự tham gia của 140 nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, đây chính là dịp tri ân các bậc tiền bối, các nghệ sĩ lão thành của ngành xiếc Việt Nam. Song song với Lễ kỷ niệm, Liên đoàn cũng sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên Gala ngôi sao xiếc Việt, quy tụ những tiết mục mới nhất, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp. Màn chào đầu Vũ đài các ngôi sao sẽ có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ với nhiều thể loại tiết mục như đu dây, cầu bật, hề xiếc, trò khéo, tốp múa và đặc biệt là sẽ tôn vinh hai nghệ sĩ nổi tiếng dẫn dắt trong các chương trình xiếc trước đây đã nghỉ hưu là NSƯT Trịnh Mạnh Hùng và NSƯT Phạm Văn Xuyên.
Trong cơ chế thị trường, các loại hình nghệ thuật chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng với sự vững vàng, quyết đoán, sáng suốt của Ban giám đốc và sự gắn bó, đoàn kết của tập thể, cán bộ nghệ sĩ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, khẳng định vị thế, đẳng cấp của nghệ thuật xiếc trong lòng công chúng nước nhà và vươn ra chinh phục khán giả quốc tế.
THUÝ HIỀN